Hội Làm vườn tỉnh Quảng Ngãi được thành lập theo Quyết định số: 99/QĐ-TWHLV, ngày 07/5/1994 của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính chất kinh tế kỹ thuật và quần chúng rộng rãi. Với phương châm xây dựng tổ chức Hội tự nguyện, tự giác và hoạt động vì lợi ích hội viên. Khi mới thành lập Hội Làm vườn tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có 01 chi hội với 60 hội viên tham gia, hiện nay toàn tỉnh có trên 5.000 hội viên tham gia sinh hoạt ở 72 chi hội của 6 huyện Hội.
Đến nay, Hội đã trải qua 4 kỳ Đại hội, hơn 18 năm xây dựng và phát triển, Hội không ngừng củng cố tổ chức và mở rộng qui mô. Ngoài việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng về nông nghiệp và nông thôn. Tỉnh Hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế VAC như: Chỉ thị số 09/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 26/02/2009 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế vườn tỉnh Quảng Ngãi; Công văn số 2549/UB của UBND tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận chủ trang trại; xây dựng Quy chế phối hợp giữa Sở NN&PTNT với Hội Làm vườn Quảng Ngãi… từ đó đã thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định.

Ban Chấp hành Hội Làm vườn nhiệm kỳ IV ( 2010-2015)
Qua tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng hội, Hội Làm vườn đã xác định công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp, vận động hội viên đoàn kết, hợp tác giúp nhau phát triển kinh tế VAC, trang trại trên địa bàn tỉnh là mục tiêu chính của các cấp hội, trong đó:
- Công tác tuyên truyền Hội đã kết hợp nhiều hình thức để tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Hội, về vai trò và lợi ích nhiều mặt của kinh tế VAC, thông qua các chương trình khuyến viên. Tỉnh Hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan học tập, như đã phối hợp với TW Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ thuật làm vườn theo Chương trình VIETGAP cho 100 hội viên Hội Làm vườn ở các huyện, chi hội và cử một số cán bộ, hội viên làm vườn giỏi và một số chi hội hoạt động khá giao lưu, tham quan, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, kinh nghiệm tổ chức hội ở các tỉnh bạn; ở các huyện Hội đã phối hợp với ngành NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn hội viên, từ đó đã tạo cho cán bộ, hội viên có thêm kinh nghiệm trong việc phổ biến tuyên truyền phát triển kinh tế vườn.

Các hội viên Hội làm vườn tham quan mô hình trồng mít ghép
- Xây dựng mô hình là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, tạo mô hình điểm, lấy điểm chỉ đạo diện là phương thức cơ bản để các cấp hội phát triển phong trào. Trong phong trào chung, mỗi hội viên đều phải xây dựng VAC gia đình mình thành mô hình gương mẫu hướng dẫn bà con trong làng xóm làm theo. Trong những năm qua, ngoài các mô hình Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi, Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng ở các địa phương giúp người nông dân phát triển kinh tế VAC, trang trại. Hội đã tranh thủ sự hỗ trợ của TW Hội, tỉnh Hội đã hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư trồng, chăm sóc một số mô hình như: mô hình trồng bưởi da xanh tại Chi hội xã Bình Mỹ (Bình Sơn); mô hình trồng thâm canh cây keo lai giâm hom với 25 ha, mô hình cải tạo vườn trồng cỏ voi VA06 giống mới để chăn nuôi bò với diện tích 6,6 ha tại Chi Hội Làm vườn Bình Trung (Bình Sơn), Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh), có tổng số 160 hội viên tham gia, đến nay các mô hình này đã được nhân rộng tạo ra nhiều hộ trong vùng chủ động được nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò ở các địa phương... ngoài ra còn nhiều mô hình do các cấp hội cơ sở phát triển ở hầu hết các địa phương như: mô hình trồng chuối lùn ở Tịnh Hà, Bình Chương; mô hình trồng cau, cây ăn quả kết hợp với nuôi gà thả vườn ở Hành Thuận, Hành Minh; trồng rau an toàn trong vườn ở Hành Phước (Nghĩa Hành), Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi), Tịnh An, Tịnh Long (Sơn Tịnh); mô hình vườn giàn trồng bí đao phát triển mạnh ở Bình Dương, Bình Thới (Bình Sơn); mô hình đào ao thả cá, nuôi các giống đặc sản Ba Ba, nuôi ếch, nuôi heo rừng, nuôi kỳ đà, nhông, nhím, đà điểu, chim cút, gà sao, gà Hơmông, nuôi cá… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hội viên. Từ các mô hình có hiệu quả đã được nhân rộng, thúc đẩy phong trào cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh, huyện có phong trào phát triển kinh tế VAC khá là huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Bình Sơn đạt trên 60-70% diện tích vườn hiện có, nhiều hội viên có thu nhập từ vườn đạt từ 20–50 triệu đồng/năm; có vốn, 183 hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình gia trại, trang trại VAC, đã chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bố trí cơ cấu sản xuất đưa các loại giống mới cây trồng, vật nuôi vào sản xuất đạt hiệu quả cao như: trang trại của ông Tấn ở Bình An (Bình Sơn) đã đầu tư xây dựng chuồng trại, liên kết nuôi 10.000 gà công nghiệp lấy trứng, làm hồ nuôi Ba ba, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng; trang trại của anh Thới Đình Kế (Tịnh Hà - Sơn Tịnh), trang trại của ông Tiêu Tùng (Hành Minh - Nghĩa Hành), Trang Trại ông Tấn Phát (Mộ Đức)… thu lãi hàng năm từ 100-200 triệu đồng…

Mô hình chăn nuôi gà bán thả tại xã Tịnh Thọ - huyện Sơn Tịnh
Từ phong trào phát triển VAC, kinh tế trang trại ở các địa phương đã thúc đẩy việc củng cố tổ chức hội và tổ chức Hội thông qua hoạt động của mình đã thúc đẩy phong trào làm VAC lớn mạnh cả bề rộng và chiều sâu. Từ hoạt động đơn lẻ của Hội đến phong trào VAC rộng lớn hiện nay chính là từ những đóng góp quan trọng của Hội. Trong những năm tới một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Làm vườn tỉnh là củng cố và phát triển Hội vững mạnh. Việc củng cố và phát triển Hội theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, tập trung vào các huyện hội, chi hội cơ sở. Phấn đấu xây dựng Hội vững mạnh, trở thành một hội xã hội nghề nghiệp và kinh tế - kỹ thuật, là một tổ chức tự nguyện rộng rãi của nông dân.
Lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2011-2015:
- Ông Đoàn Văn Nhân – Chủ tịch Hội;
- Ông Bùi Thế Đua - Phó Chủ tịch Thường trực;
- Ông Ngô Thế Nhân - Phó Chủ tịch;
- Ông Lê Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ;
- Ông Đỗ Kỳ Ân - Ủy viên Ban Thường vụ.
(Nguồn: Kỷ yếu 20 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (1994-2014))