Đó là kết quả nghiên cứu của TS Vũ Chí Cường và cộng sự Nguyễn Khắc Hiếu ở Viện Bơm và Thiết Bị Thủy Lợi, Viện Khoa Học Thủy Lợi Việt Nam. Hai tác giả đã nghiên cứu sản xuất thực nghiệm các van đĩa đường kính đến Ø1500 mm, áp lực đến 12 AT dùng trong trạm thủy điện.
Theo anh Cường, hiện nay, việc cung cấp thiết bị cho các trạm thuỷ điện ở Việt Nam hầu hết đều cần đến nhập khẩu từ các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các loại van nếu cột nước cao đến 120m và đường kính đến Ø1500mm. Sau một thời gian làm việc các phụ tùng hỏng cần phải sửa chữa và thay thế dẫn tới phải nhập phụ tùng, thậm chí phải thay thế toàn bộ van đĩa vì không có phụ tùng, nên nhiều nhà đầu tư rất lúng túng và ảnh hưởng đến năng suất của các trạm thủy điện. Vì vậy việc nghiên cứu sản xuất thực nghiệm các van đĩa đường kính đến Ø1500 mm, áp lực đến 120m dùng cho trạm thuỷ điện, thay thế cho nhập ngoại là một vấn đề cấp bách và cần được quan tâm đúng mức trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi để nội địa hoá các thiết bị sản xuất trong nước thay thế dần các thiết bị nhập ngoại.
Van đĩa do hai anh chế tạo sử dụng gioăng tròn được giữ 2/3 gioăng nên rất chắc chắn trong quá trình làm việc không bị long ra, thay bằng việc dùng gioăng thang hoặc gioăng hình chữ nhật trước kia không đủ độ cứng.Việc dùng gioăng tròn này còn có lợi thế là khi áp lực đẩy thì càng làm kín vì bề mặt làm việc của van là dạng cầu.
Hệ thống thủy lực được thiết kế giúp van đĩa đóng mở một cách linh hoạt với nhiều phương án khác nhau đáp ứng trong nhiều trường hợp sử dụng như mất điện hoặc đóng khẩn cấp khi có sử bảo vệ tua bin thủy điện.

Sơ đồ thủy lực điều khiển van đĩa. Ghi chú: 1.Đo dầu, 2.Lọc dầu, 3.Van an toàn, 4.Đồng hồ đo áp, 5.Van khóa tay, 6.Van phân phối 2/2, 7.Tiết lưu, 8.Xi lanh, 9.Sensor, 10.Van phân phối 4/2, 11.Tháo lắp nhanh, 12.Van an toàn, 13.Bơm bánh răng, 14.Động cơ điện (Ảnh do tác giả cung cấp)
Với sơ đồ này hệ thống có thể hoạt động trong 4 chế độ:
- Chế độ làm việc một chiều: bơm chỉ hoạt động trong hành trình mở van. Hành trình đóng van điều khiển van 2/2 dầu được hồi về bể và van đĩa được đóng bằng đối trọng.
- Chế độ làm việc hai chiều: Van đĩa được đóng và mở bằng cách sử dụng va 4/2. Chế độ làm việc này rất hay giúp van đĩa có thể đóng hoàn toàn nếu vi một lý do khiến đối trọng không đóng van một cách an toàn.
- Chế độ làm việc tự động: van đĩa ở chế dộ mở hoàn toàn trong một thời gian dài. Nếu xảy ra các trường hợp rò rỉ trong hệ thống thủy lực khiến đối trọng rơi xuống một khoảng rất nhỏ tại điểm X2 chương trình PLC được lập trình giúp kích hoạt bơm chạy đẩy đối trọng lên đúng điểm X3 mở van đĩa hoàn toàn.
- Chế độ làm việc bằng tay: Trong trường hợp xảy ra sự cố mất điện hoặc 2 van điều khiển bị hỏng ta cũng có thể đóng van bằng van khóa tay K1. Mở van bằng cách dùng bơm tay lắp vào khớp tháo lắp nhanh 11 để bơm bằng tay.

Cấu tạo van đĩa kiểu thủy lực kết hợp đối trọng (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cấu tạo van đĩa gồm: 1. Nắp trục bị động, 2. Bulong đầu trục, 3;5. Gioăng làm kín, 4. Trục bị động, 6. Chốt, 7. Thân van, 8. Gân tăng cứng, 9. Đĩa van, 10. Gioăng van đĩa, 11. Giá đỡ, 12. Xi lanh thủy lực, 13. Đối trọng, 14,18. Cần đối trọng, 15. Đĩa ép gioăng, 16. Trục chủ động, 17. Cốc ép gioăng.
Vì sản phẩm có hàm lượng khoa học cao được thiết kế, chế tạo theo quy chuẩn Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn ISO nên dễ dàng lựa chọn thay thế cho các van đĩa ở các trạm thủy điện và các công trình thủy lợi hỏng hóc một cách nhanh chóng, thay thế phụ tùng thuận tiện hơn rất nhiều về thời gian, không gian và giá thành. Anh Cường cho biết, trong vòng mấy năm gần đây nhóm đề tài đã lắp 18 van đĩa cho các nhà máy thủy điện như Thủy điện Cấm Sơn – Lạng Sơn, Thủy điện Suối Tân – Sơn La, Thủy điện Tà Sa – Cao Bằng, Thủy Điện Pleiku – Gia Lai, Thủy điện Nậm Pung – Lào Cai, Thủy điện Chiềng Công 2 – Sơn La, Thủy điện Tắt Ngoẵng – Sơn La, Thủy điện Nậm Chim – Sơn La, Thủy điện Háng Đồng A – Sơn La…