Theo Quyết định số 258/QĐ-UBND ngày 18/02/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh, các hội đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh được xác định gồm: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên minh Hợp tác xã, Hội Chữ thập đỏ, Hội Đông y, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhà báo, Hội Khuyến học, Hội Người mù, Hội Luật gia, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu thanh niên xung phong. Năm 2020, UBND tỉnh bổ sung thêm Hội Tù yêu nước tỉnh là hội có tính chất đặc thù.
Tùy tính chất và khả năng, các hội ngày càng phát huy vai trò, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều phương diện: tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân; tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phát huy và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; giám sát, tư vấn và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước; huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản triển khai những chỉ thị, kết luận của Trung ương, những nghị định của Chính phủ…, quyết định phân bổ định mức biên chế, kinh phí hàng năm, phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của một số hội… đã tạo điều kiện cho các hội kiện toàn và tổ chức hoạt động đi vào nền nếp và nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống thể chế pháp luật về hội còn thiếu một chiến lược tổng thể và những bước đi phù hợp. Dự thảo Luật về hội được chuẩn bị trong thời gian khá dài, nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân liên quan, đã trình Quốc hội từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Nhiều quy định không phù hợp, nhưng vẫn chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tổ chức, hoạt động và quản lý hội chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, hạn chế. Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ từ năm 2010 đến nay đã được 10 năm nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Nhiều quy định về quyền và nghĩa vụ của hội còn thiếu cụ thể, pháp luật chưa có quy định, do đó trên thực tế rất khó thực thi. Một số sở, ngành, địa phương còn xem nhẹ công tác quản lý nhà nước đối với hội đặc thù thuộc lĩnh vực mình quản lý, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tế nên đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các hội đặc thù.
Về biên chế, hàng năm Thủ tướng Chính phủ vẫn giao biên chế cho các hội đặc thù trên toàn quốc. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, Bộ Nội vụ xác định không có công chức, viên chức trong các hội đặc thù; đây là vấn đề rất bất cập, vì những người trong biên chế này đều đã được tỉnh tiếp nhận thông qua thi tuyển công chức, viên chức; trong đó nhiều công chức quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công sang làm việc ở các hội đặc thù theo trách nhiệm của người công chức, đảng viên, nhưng nay lại bị mất hết quyền lợi của công chức, viên chức.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội đặc thù tỉnh Quảng Ngãi” vào ngày 21/12/2020
Đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là tổ chức của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, bộ phận cấu thành của nền tảng liên minh chính trị với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, được Đảng và Nhà nước xác định là tổ chức chính trị- xã hội. Liên hiệp Hội có tổ chức Đảng đoàn, có Chi bộ, có Công đoàn cơ sở, các công việc của Liên hiệp Hội mang đầy đủ tính chất của tổ chức chính trị xã hội. Tỉnh ủy cũng đã xếp Liên hiệp Hội vào các tổ chức chính trị- xã hội nên hầu hết văn bản giao nhiệm vụ cho các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh thì Liên hiệp Hội cũng đều nhận được và phải thực hiện như Mặt trận Tổ quốc và 5 tổ chức chính trị xã hội khác của tỉnh. Tuy vậy, về quyền lợi thì Liên hiệp Hội lại được xếp vào nhóm hội đặc thù. Đây cũng là điều quá bất cập.
Một số đề nghị về quản lý nhà nước đối với hội đặc thù:
Để công tác tổ chức, hoạt động và quản lý hội nói chung và hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh nói riêng đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong thời gian đến, tôi xin đề xuất như sau:
Đối với Trung ương: Đề nghị rà soát và xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hội, trước hết là Luật về hội và sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thống nhất từ Trung ương đến địa phương; hướng dẫn cụ thể và quy định rõ các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho các hội để làm cơ sở cấp kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; trong đó, cần quy định cụ thể đối với hội đặc thù những nội dung sau:
- Quy định về biên chế và kinh phí hoạt động. Đối với biên chế được Nhà nước giao cho hội thì được cấp kinh phí hoạt động của biên chế đó như công chức, viên chức; trường hợp không thực hiện theo hướng này thì phải điều chuyển công chức, viên chức đã được Nhà nước tuyển dụng thông qua thi tuyển trở về các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh, nhằm đảm bảo tính công bằng xã hội.
- Nghiên cứu thể chế hóa quyền tư vấn, giám sát và phản biện xã hội của hội đặc thù; bảo đảm quyền tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan đến nội dung hoạt động của hội và quyền tham gia một số hoạt động quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công cho các hội.
- Quy định cụ thể quyền xây dựng quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) theo quy định của pháp luật cũng như kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ được Nhà nước giao.
- Quy định rõ nội dung và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội; kiểm tra việc tuân thủ tôn chỉ, mục đích đã được phê duyệt và việc quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, nhất là đối với việc sử dụng nguồn tài trợ của nước ngoài và tổ chức quốc tế đối với các hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.
Đồng thời, cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về hội; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương trong quản lý đối với hội. Các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn, tạo điều kiện để các hội tiến hành thảo luận, sửa đổi, bổ sung điều lệ, bảo đảm các tổ chức này hoạt động ngày càng sát hơn với cuộc sống, đóng góp thiết thực đối với phát triển kinh tế - xã hội trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Đối với tỉnh: Đề nghị các cấp ủy đảng và chính quyền tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng; Kết luận 102-KL/TW, ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng; Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về Tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới…
- Cần sớm thể chế hóa các văn bản của Đảng và Nhà nước đối với các hội đặc thù trên địa bàn tỉnh, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi về biên chế và kinh phí hoạt động.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, vị trí của các hội đặc thù trong tình hình mới, nhằm phát huy việc đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân; tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; việc giám sát, tư vấn và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước…
- Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 09/01/2013 quy định về quản lý nhà nước đối với các hội hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho phù hợp hơn. Cần lấy ý kiến tham gia góp ý của các hội đối với dự thảo quyết định, trước khi trình UBND tỉnh.
Các Hội đặc thù tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, người làm việc; tăng cường tính tự chủ, tự quản và phát huy vai trò của hội trong phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo hội viên, phù hợp với điều kiện địa phương./.
Huỳnh Văn Tố - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi
(Nguồn: Bản tin Khoa học và Đời sống số 01/2021)