Sáng ngày 13-10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức Hội thảo “Những nhân tố quan trọng tác động đến ý tưởng và hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên”. Ông Lê Quang Thích, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; TS.Trần Đình Thám, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng; ThS. Trần Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; TS.Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên; PGS.TS.Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo, có Ông Nguyễn Tấn Đức, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Lãnh đạo Liên hiệp Hội tỉnh, các Hội thành viên, các thầy, cô giáo và sinh viên Trường đại học Phạm Văn Đồng, cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chủ trì Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Ông Lê Quang Thích cho rằng: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đang là xu thế tất yếu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Khởi nghiệp sáng tạo là việc mà những người sáng tạo, ham học hỏi và đầy khát vọng chọn để làm; không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao; cũng không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao. Những doanh nhân thành đạt nhất của Việt Nam hay thế giới đều coi lợi nhuận là công cụ để thực hiện ý tưởng của mình, chứ không phải mục đích hay thước đo của sự thành công. Môi trường và cơ hội khởi nghiệp hiện nay ở nước ta rất thuận lợi để ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ nảy mầm, lớn mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng hiện nay đã có những vị thế quan trọng trong ASEAN, và sẽ còn mạnh hơn nữa. Chúng ta đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng không có nghĩa là khởi nghiệp chỉ cần dựa trên ý tưởng hay, hoặc công nghệ mới lạ là có thể thành công. Với các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, đây chính là quãng thời gian quan trọng nhất để suy nghĩ, lên ý tưởng và thử nghiệm. Đây là giai đoạn tốt nhất để chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo và doanh nghiệp đến từ 12 trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp trong nước với gần 40 tham luận có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Tại Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận: về vai trò của trường đại học, cao đẳng trong việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên; nhóm sáng tạo trẻ Bến Tre – mô hình hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên; một số kinh nghiệm thực tiễn khi thành lập doanh nghiệp của chi nhánh Besttour Việt Nam tại Quảng Ngãi; mô hình các nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trường Đại học Phạm Văn Đồng; chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - Bài học từ các nước và thực tiễn Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo đã góp phần phân tích bối cảnh, thực trạng về vai trò và những nhân tố quan trọng tác động chính, những đóng góp về cả lý luận và thực tiễn trong hoạt động khởi nghiệp của sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng; đề xuất các giải pháp giúp sinh viên có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn liên quan đến ý tưởng khởi nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo về một số giải pháp nâng cao được hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.
Quang Tiên